Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam là những tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên môi trường) thuộc về Việt Nam, nằm trong lãnh thổ Việt Nam (bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển Việt Nam). Tài nguyên thiên nhiên Việt Nam phong phú và có nhiều tiềm năng để khai thác, sử dụng như tài nguyên khí hậu, tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và đa dạng sinh học (tài nguyên rừng Việt Nam, hệ thực vật Việt Nam, hệ động vật Việt Nam). Việt Nam là đất nước có đường bờ biển dài gần 3.500 km, hàng triệu km2 thềm lục địa, hàng ngàn con sông, với rất nhiều sản vật, diện tích núi rừng chiếm đến 40% với những cánh rừng nguyên sinh, hệ động vật và thực vật vô cùng phong phú, nguồn tài nguyên khoáng sản cũng phong phú, nhiều chủng loại, trải dài từ Bắc chí Nam. Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có gồm thủy điện quy mô nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng trên thực tế, việc khai thác tài nguyên của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, tình trạng sử dụng đất tăng mạnh, tài nguyên nước ngày càng bị lạm dụng, rừng tự nhiên bị khai thác lấy gỗ, tàn phá rừng nghiêm trọng, trữ lượng cá cho hoạt động đánh bắt bị cạn kiệt và tài nguyên khoáng sản ngày càng bị khai thác ồ ạt. Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam hiện nay đang bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng, đồng thời gia tăng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí đô thị, kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên. Chính sự suy yếu các nguồn tài nguyên đã đe dọa sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nghiêm trọng nhất là các vấn đề ô nhiễm tại các thành phố lớn do việc quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý và còn lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Hiện trạng tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực, nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam hiện nay đang bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng hiện này đó chính là do hoạt động khai thác bừa bãi, cùng với việc sử dụng tài nguyên lãng phí, và do công tác quản lý yếu kém. Tài nguyên rừng đang bị thu hẹp theo từng ngày, diện tích rừng tự nhiên che phủ giảm dần do khai thác chặt phá trái phép, đất rừng bị chuyển qua đất nông công nghiệp, các loài sinh vật quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao (ở Việt Nam có khoảng 100 loài thực vật và gần 100 loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng). Tình trạng ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với tài nguyên nước. Tài nguyên khoáng sản đang cạn kiệt do việc khai thác quá mức và sử dụng lãng phí. Tài nguyên đất thì bị thu hẹp, bị nhiễm mặn, bạc màu, bị sa mạc hóa ngày một tăng
Đất đai
Việt Nam có hơn 39 triệu ha đất tự nhiên. Thống kê cho thấy, đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, Việt Nam có 33.123,6 nghìn ha, diện tích đất đã được sử dụng vào các mục đích chiếm hơn 93% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, nhóm đất sản xuất nông nghiệp là 11508,0 nghìn ha (chiếm 34,74% tổng diện tích tự nhiên), đất lâm nghiệp 14910,5 nghìn ha (chiếm 45,01% tổng diện tích tự nhiên), đất chuyên dùng là 1875,3 nghìn ha (chiếm 5,66% tổng diện tích đất tự nhiên) và 714,9 nghìn ha đất ở. Vị trí và địa hình làm cho thổ nhưỡng Việt Nam có tính chất đặc trưng của vùng nhiệt đới ẩm và cũng rất đa dạng và phân hóa rõ rệt từ vùng đồng bằng lên núi cao, từ Bắc chí Nam và cả từ Ðông sang Tây. Các nhóm đất bao gồm: Cồn cát và các loại cát ven biển. Đất mặn, đất phèn, đất phù sa. Đất lầy và than bùn, đất xám bạc màu, đất đỏ và xám nâu vùng bán khô hạn, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn vàng đỏ trên núi. Đất mùn trên núi cao, đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ, đất xói mòn trơ sỏi đá và các loại đất khác.
Nguồn nước
Việt Nam nổi tiếng với mạng lưới sông ngòi dày đặc từ Bắc vô Nam với 2.345 con sông có chiều dài trên 10 km. Cứ đi dọc bờ biển 20 km lại gặp một cửa sông. Việt Nam có 11 lưu vực sông chính và gần 3.500 con sông, lượng mưa trung bình năm lớn khoảng 2000 mm. Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài với tổng diện tích trên 1,167 triệu km2. Trong đó có 33 lưu vực sông lớn, liên tỉnh, với 3.140 sông (chiếm 91% số lượng sông của Việt Nam), tổng diện tích lưu vực khoảng 306,44 nghìn km2, bằng 92,6% diện tích đất liền. Tổng trữ lượng động của nước dưới đất trên toàn lãnh thổ, chưa kể phần hải đảo, khoảng 2.000 m3/s (khoảng 63 tỷ m3/năm). Tài nguyên nước mặt của Việt Nam tương đối phong phú, chiếm khoảng 2% tổng dòng chảy của các sông trên toàn thế giới. Nước mặt và nguồn dự trữ nước dưới đất phong phú cung cấp nguồn tài nguyên nước đáng kể và phần lớn các nguồn tài nguyên này có thể khai thác, sử dụng.
Sông Mê Công, sông Hồng, sông Thái Bình và sông Đồng Nai chiếm khoảng 80% tổng lượng tài nguyên nước Việt Nam. Việt Nam chiếm 8% diện tích của toàn lưu vực sông Mê Công, lượng nước chảy về Việt Nam khoảng hơn 5 tỷ m3, chiếm 57% tổng lượng nước mặt của Việt Nam. Sông Hồng–sông Thái Bình có diện tích lưu vực là 155.000 km2 và lượng chảy vào Việt Nam từ ngoài lãnh thổ là 137 tỷ m3. Lượng nước trung bình đầu người là 9.434 m3. Tuy nhiên, phần lớn tài nguyên nước Việt Nam lại nằm ngoài khả năng quản lý của quốc gia vì 2/3 tổng lượng nước chảy vào từ quốc gia thượng nguồn nên nguồn nước nội sinh của Việt Nam được đánh giá là thấp, mức bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 4.200 m3 so với con số trung bình là 4.900 m3 ở Đông Nam Á. Tài nguyên nước phân bố không đồng đều theo mùa, lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa ngắn, các con sông thường đầy nước vào mùa mưa nhưng lại khô hạn vào mùa khô, rồi nguồn tài nguyên nước cũng phân bố không đều theo không gian.
Hệ sinh thái
Việt Nam có tới 3/4 diện tích quốc gia là đồi núi và rừng che phủ hơn 30% diện tích. Độ che phủ của rừng Việt Nam rất cao giúp giảm dòng chảy ngay sau mưa, làm chậm lũ lụt, điều hoà dòng chảy cho mùa mưa và mùa khô. Sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam đã tạo ra sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm rừng, biển, đất ngập nước và sự giàu có, phong phú về các loài và nguồn gen sinh vật. Việt Nam cũng là quốc gia có đa dạng sinh học cao về các loài động, thực vật và sinh vật từ đó tạo ra sự đa dạng cho giống cây trồng Việt Nam và giống vật nuôi Việt Nam. Trong thiên nhiên có tới 7,5 nhìn loài vi sinh vật, 16,4 nghìn loài thực vật, 10,3 nghìn loài động vật trên cạn, 2 nghìn loài thủy sinh nước ngọt, trên 11 nghìn loài sinh vật biển.
Việt Nam có hơn 100 khu bảo tồn thiên nhiên và có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới; 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới; 8 khu Ramsar và 5 Vườn Di sản. Có 3 khu sinh quyển tầm thế giới là: vườn quốc gia Xuân Thủy, rừng Sác Cần Giờ và vườn quốc gia Cát Bà. Rừng Việt Nam có khoảng 8000 loài thực vật bậc cao, khoảng 800 loài rêu, khoảng 600 loài nấm. Tài nguyên sinh vật phong phú như Hệ thực vật có nhiều loài thực vật quý hiếm như gỗ đỏ, gụ mật, Hoàng Liên chân gà, hoàng đàn, cẩm lai, pơ mu. Hệ động vật Việt Nam có mức độ đặc hữu rất cao, 80 loài thú và phân loài thú, 100 loài và phụ loài chim, 7 loài linh trưởng, có 820 loài chim, có 180 loài bò sát. Một số loài quý hiếm được phát hiện tại Việt Nam như tê giác, bò rừng, bò tót, trâu rừng, sao la, mang lớn, culy, voọc vá, voọc mũi hếch, voọc đầu trắng, hổ Đông Dương, báo hoa mai Đông Dương, sếu cổ trụi, cò quắm cánh xanh, mang Trường Sơn, bò sừng xoắn, gà Lam đuôi trắng. Việt Nam có 275 loài thú và việc tìm ra 2 loài thú móng guốc lớn là loài Sao la và Mang lớn chứng tỏ sự phong phú và đa dạng của tài nguyên rừng.
Biển Việt Nam đa dạng các chủng loài có chất lượng cao, thêm vào đó trữ lượng cá rất lớn. Việt Nam cũng có tới ¾ diện tích là đồi núi, diện tích rừng che phủ hơn 30%. Mặc dù diện tích đất liền chỉ chiếm 1,35% diện tích thế giới, nhưng Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn nước ngọt của Việt Nam chiếm 2% tổng lượng dòng chảy của các sông trên thế giới. Việt Nam có 3.260 km bờ biển, rộng tới 226000 km2. Trong đó, diện tích có thể nuôi trồng thuỷ sản là 2 triệu ha với 1 triệu ha nước ngọt, có 0,62 triệu ha nước lợ, 0,38 triệu ha nước mặn. Biển Việt Nam còn có 2.028 loài cá biển, trong đó có 102 loài giá trị kinh tế cao, 650 loại rong biển, 300 loài cua, 90 loài tôm, 350 loài san hô, 300 loài thân mềm. Biển Việt Nam có trữ lượng cá khoảng 3,6 triệu tấn, tầng trên mặt biển có trữ lượng 1,9 triệu tấn. Còn tầng đáy có trữ lượng 1,7 triệu tấn. Có 40.000 ha san hô ven bờ. Có 250.000 ha rừng ngập mặn ven biển.
Khoáng sản
Việt Nam còn có các mỏ khoáng sản có giá trị trải dài từ Bắc đến Nam, với nguồn dầu hỏa và khí đốt dồi dào. Việt Nam đã phát hiện được trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau, có một số loại khoáng sản quy mô trữ lớn, là nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với hơn 5000 điểm mỏ của 60 loại khoáng sản, với một số loại có trữ lượng quan trọng như bô xít (672,1 triệu tấn), apatit (0,778 triệu tấn), titan (15,71 triệu tấn), than (3.520 triệu tấn), đất hiếm (1,1 triệu tấn) và đá granit (15 tỷ m3). Trữ lượng dầu mỏ ước tính khoảng 6 tỷ tấn và khí đốt khoảng 4.000 tỷ m3, phân bố chủ yếu ở vùng trầm tích từ Nam đến Bắc. Năm 2012, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương (110 triệu gallon barrels), đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc trên thế giới và 1,8% tổng sản lượng xi măng, 1% tổng sản lượng Barite trên thế giới. Theo tính toán, trong giai đoạn 2008 – 2013, đóng góp của ngành khai khoáng vào GDP của Việt Nam tăng từ 9,07 % năm 2008 lên 11,49% vào năm 2013, tương đương với 411.673 tỷ đồng.
Một báo cáo của Bộ Tài chính tổng kết về mức thuế suất thuế tài nguyên cho biết tổng trữ lượng sắt đã được đánh giá và thăm dò của Việt Nam hiện nay khoảng 1,3 tỉ tấn. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng quặng sắt cho ngành luyện kim trong nước năm 2015 khoảng 7,2 triệu tấn, năm 2020 khoảng 18 triệu tấn, năm 2025 khoảng 32 triệu tấn. Bên cạnh đó, trữ lượng quặng titan khoảng 650 triệu tấn (với khoảng 78 triệu tấn zircon), trong đó trữ lượng quặng titan có thể huy động vào khai thác khoảng 440 triệu tấn (với khoảng 52 triệu tấn zircon). Vàng có tổng trữ lượng khoảng 154 tấn, trong đó trữ lượng thăm dò chỉ đạt 42,7 tấn. Tổng trữ lượng tài nguyên wonfram và antimoan tương ứng khoảng 195 ngàn tấn và 67 ngàn tấn. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng trong nước giai đoạn tới (2015-2025) khoảng gần 1.000 tấn/năm đối với wonfram và 1.980 tấn/năm đối với antimoan. Quặng đồng có trữ lượng ước tính khoảng 1 triệu tấn. Dự báo nhu cầu đồng đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 156.000 tấn/năm.
Trữ lượng quặng niken khoảng 4,5 triệu tấn và được tập trung chủ yếu tại mỏ niken Bản Phúc (Sơn La). Tại Việt Nam, niken được khai thác đưa vào sản xuất, chế biến để xuất khẩu (năm 2014, sản lượng tinh quặng niken xuất khẩu khoảng 74.800 tấn với kim ngạch khoảng 87,3 triệu đô la Mỹ, số thu thuế xuất khẩu khoảng 375,6 tỉ đồng). Theo dự báo, nhu cầu trong nước về niken năm 2020 khoảng 5.300 tấn và năm 2025 có thể lên tới 6.700 tấn. Bên cạnh đó, nhôm, bauxite thì khai thác không có lãi. Tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) chỉ có lãi vào các năm 2018 và 2021 và triển vọng rất mong manh. Từ năm 2012 trở về trước, Việt Nam là nước xuất khẩu than, từ năm 2013 kim ngạch xuất khẩu than giảm mạnh do nhu cầu than trong nước tăng phục vụ nhu cầu đốt than để sản xuất điện. Năm 2014, lượng than đá xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn, dự kiến năm 2015, 2016 xuất khẩu khoảng trên 1 triệu tấn. Như vậy, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà người Việt Nam còn lại chẳng bao nhiêu, kể cả nguồn tài nguyên có lợi thế, khai thác giá rẻ là than cũng đã bắt đầu cạn kiệt, đại đa số các mỏ tài nguyên cũng đã được cấp phép khai thác. Từ đó cho thấy, tài nguyên không phải là vô tận, và mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên không thể bền vững.